Nước ngầm – Nguồn tài nguyên cần bảo vệ
17/10/2022 23:42
Ở Việt Nam, nguồn nước ngầm hiện nay đã và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng, theo nhận định của các chuyên gia.
Nước ngầm, một cách gọi khác của “nguồn nước dưới đất”, là một dạng tài nguyên nước được phân bổ hoàn toàn dưới bề Trái Đất được tích trữ trong không gian rỗng của đất hay trong những khe nứt của lấp đất đá trầm tích. Ở Việt Nam, nguồn nước ngầm hiện nay đã và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng, theo nhận định của các chuyên gia.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt nhiệm vụ vừa phải hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ nước ngầm hiện có, vừa ứng dụng công nghệ để xử lý nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.
Thực trạng đáng báo động
Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy hiện toàn quốc có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước mặt chiếm 87%, nước ngầm chiếm 13%. Khu vực đô thị có khoảng 829 nhà máy nước với tổng công suất đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm, 70% trong đó sử dụng nguồn nước mặt và 30% từ nước ngầm. Trong những năm gần đây đã có nhiều cải tiến và nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao, hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn. Đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, dẫn đến tình trạng nguồn nước dưới mặt đất bị khai thác quá mức, tập trung tại một số đô thị như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Tại khu vực nông thôn, đã xây dựng khoảng trên 16.573 công trình cấp nước tập trung, phục vụ cho 28,5 triệu người, phần lớn được lấy từ nguồn nước ngầm. Đối với người nông dân, nước không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là nguồn tài nguyên chính giúp quá trình canh tác đạt hiệu quả, góp phần duy trì và phát triển ngành nông nghiệp. Vài năm trước, mỗi nhà vườn chỉ cần khoan từ 1-2 giếng khoan là đáp ứng nhu cầu sản xuất vì nguồn nước khoan khá dồi dào. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, người dân phải khoan 3-4 giếng mới đủ nước đảm bảo sản lượng sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tuy ở nhiều tỉnh thành, nước máy đã được triển khai để cấp nước cho người dân nhưng do tâm lý e ngại, người dân thay vì sử dụng nước máy, vẫn tiếp tục khai thác và sử dụng nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất.
Tất cả những nguyên nhân này đã và đang góp phần làm cạn kiệt, khan hiếm nguồn nước ngầm, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Tác động tiêu cực
Các chuyên gia về môi trường, địa chất đã cảnh báo rằng việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Quá trình khai thác nước ngầm sẽ tạo ra các “phễu”, hạ thấp mực nước cục bộ tại nơi khai thác. Các “phễu” này sẽ phát triển to ra khi lưu lượng khai thác vượt quá sự bổ cập nước cho đất, gây nên hiện tượng hạ thấp mực nước trên vùng rộng lớn, từ đó kéo theo hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nguồn nước.
Nguồn nước ngầm tại khu vực Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng đã sụt giảm đến mức đáng báo động, theo Cục quản lý tài nguyên nước. Đây là vùng sản xuất cà phê chủ lực của Việt Nam, hàng năm cung cấp tới 80-90% sản lượng cà phê cả nước. Việt Nam là nước sản xuất cà phê vối (robusta) lớn nhất thế giới. Nhiều năm qua, rừng Tây Nguyên bị tàn phá nặng nề, cộng với sự biến đổi khí hậu, mùa khô kéo dài đã làm cho nạn hạn hán trở nên trầm trọng hơn. Do khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước, người dân liên tục tận lực khai thác nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới cà phê, hoa màu, khiến mực nước ngầm không ngừng bị hạ thấp, gây khó khăn cho sản xuất tại các vùng hạ lưu. Thực tế cho thấy tốc độ phát triển của nền sản xuất nông nghiệp ở Đăk Lăk, cũng như Tây Nguyên nói chung ngày càng nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng lớn đến mức không còn khả năng kiểm soát. Việc khai thác tài nguyên nước ngầm trên địa bàn Đăk Lăk đã vượt mức an toàn, dẫn đến mực nước dưới mặt đất trong nhiều năm qua đã tụt giảm đáng kể.
Thống kê tại tỉnh cho thấy tổng trữ lượng nước ngầm đã sụt mất ⅔ từ con số ước tính 120,9x109m3 hồi năm 1998. Mực nước ngầm tụt giảm trung bình từ 3-5m, có nơi 7-8m.
Thực tế, nhiều hộ dân trồng cà phê cho biết nhiều năm trước, một cái giếng độ sâu từ 22-28m có thể tưới 2-3 héc ta cà phê trong vòng 10 giờ liên tục, nhưng bây giờ thì không đủ cung cấp. Nhu cầu nước tưới ngày càng cao, nhiều hộ gia đình liên tục khoan, đục rộng đáy giếng, đặc biệt sử dụng cả máy khoan địa chất khoan xuống lòng đất 70-80m và dùng điện ba pha hút nước tưới tiêu cho kịp thời vụ sản xuất cà phê vốn tự phát tràn lan. Điều này đã gây hậu quả khôn lường, làm thủng tầng nước ngầm ở nhiều nơi, trực tiếp đe doạ thêm tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm nay đã đang ở mức báo động ở Đăk Lăk.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, không những làm hạ thấp mực nước, việc khai thác nước ngầm quá mức, không có quy hoạch còn là tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn tài nguyên này.
Tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận, nước giếng khoan thường bị ô nhiễm với hàm lượng asen và amoni phổ biến. Ở địa bàn quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân hay Long Biên thường có hàm lượng mangan cao. Hoặc các giếng ở phía Nam và Đông Nam gần nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai cũ cũng bị ô nhiễm vì nước ngầm nhiễm hàm lượng amoni rất cao. Kết quả phân tích nồng độ Asen (As) trong nước dưới đất ở các quận nội thành Hà Nội, có tới 22,62% số mẫu nghiên cứu có nồng độ As vượt ngưỡng 0,005mg/l, ngoại thành có tỉ lệ 18,78%; các huyện có tỷ lệ nhiễm As cao là Thanh Trì (25,64%), Gia Lâm (15,15%) và Đông Anh (14,81%).
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đưa tin, tình trạng ô nhiễm nước ngầm cũng diễn ra tương tự ở TP.Hồ Chí Minh, nơi có 257.479 giếng khoan, với độ sâu và quy mô khai thác khác nhau, lưu lượng khai thác ước tính khoảng 606.992 m3/ngày đêm.
Nhiều mẫu xét nghiệm tại các mẫu giếng do hộ dân khai thác hầu như có độ pH thấp, tỉ lệ mẫu không đạt là 41,62%. Tại các Quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Tân Phú, hàm lượng amoni trong nước giếng vượt giới hạn cho phép (9,14%). Một số điểm không đạt hàm lượng sắt tổng số (2,03%) tại Quận 12, Hóc Môn. Bên cạnh đó có 4,06% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp nhiều thành phần ô nhiễm chưa được xử lý đúng cách đã thẩm thấu dần qua các lỗ hổng trong đất do quá trình khai thác quá mức nước ngầm để lại.
Ngoài ra, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long cũng thường xuyên chịu nhiễm mặn nhất và mạch nước dưới đất cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, khiến người dân khu vực này thường xuyên thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Tất cả các tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như đời sống của người dân, đòi hỏi những giải pháp cụ thể và triệt để trong tương lai gần từ các ngành liên quan.
Các giải pháp
Đứng trước những vấn đề vô cùng cấp bách trong việc bảo vệ và khai thác cân bằng, hợp lý nguồn nước ngầm quý giá, tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” do Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 8 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đưa ra ba giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Một là, tổ chức triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ nước dưới đất, trong đó các địa phương cần sớm hoàn thành việc khoan định, công bố Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành như quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản nước dưới đất, quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự đoán về tài nguyên nước dưới đất.
Hai là, nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ phát triển, xử lý nguồn nước, bổ sung nhân tạo nguồn nước dưới đất – một việc còn khá mới, hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm.
Ba là, nghiên cứu giải pháp khai thác kết hợp cả nguồn nước mặt, nước dưới đất để cấp nước cho các đô thị hay các vùng bị xâm nhập mặn theo mùa, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của các nguồn nước, đồng thời đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.